Bà Trần Thị Thanh Loan, cùng chồng là ông Hồ Trung Lợi và 4 người con, tuổi từ 4 đến 16, là những thuyền nhân trong số 46 người tầm trú Việt Nam bị hải quân Úc chặn giữ vào tháng Ba, 2015. Sau thởi gian bị giữ trên biển gần cả tháng, họ đã phải trải qua thủ tục “điều tra nghiêm ngặt” của nhân viên Di trú Úc; và vì xét thấy không đủ tiêu chuẩn xin được bảo vệ nên họ đã bị trả về trên một chuyến tàu của hải quân Úc, sau khi Chính phủ Úc nhận được văn bản của Chính phủ Việt Nam bảo đảm rằng những người bị trả về sẽ không bị án phạt về tội tham gia tổ chức vượt biên “trái phép”.
Nhưng sau đó ông Lợi bị tuyên án 2 năm tù – nơi ông bị giam cách nhà 7 tiếng đồng hồ – đồng thời bà Loan bị xử 3 năm tù ở nhưng bà đã kháng án vì chồng đã bị giam, chỉ còn mình bà chăm sóc con cái, thân nhân không đủ khả năng chăm sóc các con giùm bà. Sau khi tòa bác kháng án của bà trong phiên xử phúc thẩm vào giữa năm 2016, các con của bà bị buộc phải nghỉ học và đưa vào viện mồ côi.
Đó cũng là thời điểm chúng tôi bắt đầu giúp đỡ cho gia đình này. Trong vòng 1 tháng hơn 100 người, từ khắp nơi trên thế giới, đã đóng góp tổng cộng được $11,000 – số tiền này đủ cho ông của các cháu nuôi nấng các cháu trong 2 năm, và giúp cho cha mẹ các cháu có chút vốn sau khi mãn hạn tù.
Để biết thêm thông tin, xin quý vị vui lòng xem ở các trang mạng https://www.gofundme.com/NeverTearUsApart và https://www.theguardian.com/commentisfree/2016/aug/24/were-a-disparate-group-of-australians-doing-the-work-our-government-wont
Cuối cùng bà Loan được tạm hoãn thi hành án cho đến lúc chồng bà được thả. Trong thời gian này bà đi bán trái cây mỗi ngày kiếm được từ 5 đến 10 Mỹ kim. Nhưng sau khi bị công an đe dọa là lúc vô tù bà sẽ ăn đòn vì tội dám lên tiếng cho người ngoại quốc biết, vào cuối tháng Giêng 2017, bà Loan và các con đã cố vượt biên đi đến Úc lần thứ nhì – mà không cho chúng tôi biết – trong nhóm 18 người tầm trú, bao gồm cả 12 trẻ em.
Sau hơn một tuần lênh đênh trên biển, máy tàu bị hỏng, và tàu trôi giạt vào hải phận Nam Dương (Indonesia), và tàu bắt đầu bị chìm (đắm). May thay, họ đã được các cơ quan chức năng của Nam Dương cứu khi còn ở phía ngoài bờ biển Java, và tất cả những gì 3 gia đình mang theo đều mất hết.
Trải qua hai lần phỏng vấn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), cuối cùng vào ngày 5 tháng Năm, 2017 họ được công nhận tư cách tị nạn trong khi đang ở trung tâm tạm giam tai Jakarta, Nam Dương. Giờ đây họ đang chờ được định cư tại một quốc gia thứ ba, và có thể thời gian giờ đợi vẫn còn lâu lắm.
Trong lúc đó, ông Lợi bị chuyển đến một trại giam khắc nghiệt hơn nằm sâu trong rừng tại Việt Nam. Tại đây, ông bị đối xử tàn tệ và đe dọa là sẽ rũ xương trong tù trừ phi gia đình ông về lại Việt Nam. Tòa án Việt Nam cũng đã hủy lệnh hoãn thi hành án của bà Loan, cũng có nghĩa là nếu bà trở về Việt Nam thì sẽ bị đưa thẳng vào nhà giam. Vì tái phạm nên bà có thể lãnh án đến 15 năm tù thể theo Bộ Luật Hình Sự đã được sửa đổi.
Ông Lợi cuối cùng cũng được thả vào cuối tháng Năm 2017, sau khi bị buộc phải ký vào tờ biên bản xác nhận không bị đối xử tàn tệ. Do thường xuyên bị đánh đập trong tù đã khiến ông bị hư một con mắt, ông bị tai biến mạch máu não, bị bệnh phổi và thận, và sụt cân đáng kể. Hiện ông đang tìm cách điều trị – chúng tôi đã thu xếp gởi cho ông ít tiền từ số tiền đóng góp qua quỹ công chúng tài trợ được kêu gọi buổi đầu (crowd fund) để giúp ông trị bệnh – và đang bị công an quản chế trong 6 tháng, không được tự ý rời khỏi địa phương.
Muốn biết thêm thông tin, xin vui lòng xem tại trang mạng http://www.smh.com.au/world/turned-back-by-australia-vietnamese-recognised-as-refugees-in-indonesia-20170608-gwn475.html